Với Thông tư 210/2012/TT-BTC (Thông tư 210) thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK, có hiệu lực từ 15/1/2013, điều kiện hoạt động của CTCK được siết chặt hơn. Cùng với đó, lần đầu tiên, quy định pháp lý về “khai tử” CTCK cũng được chi tiết hoá.
Theo Thông tư 210, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của CTCK không được vượt quá 3 lần, thay vì 6 lần như hiện hành. Quy định mới cũng làm rõ, giá trị tổng nợ này không bao gồm: tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng, quỹ khen thưởng phúc lợi, dự phòng bồi thường thiệt hại cho NĐT…
Một điểm mới nữa của Thông tư 210 là CTCK không được mua, góp vốn mua bất động sản, trừ trường hợp để làm trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của CTCK. CTCK mua, đầu tư vào BĐS cho mục đích này và tài sản cố định theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định và bất động sản không được vượt quá 50% giá trị tổng tài sản của CTCK…
Thông tư 210 dành hẳn một chương riêng quy định về quản trị, điều hành CTCK. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu CTCK phải thiết lập và duy trì hệ thống thực thi quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo ngăn ngừa rủi ro có thể ảnh hưởng tới lợi ích của CTCK và khách hàng.
Đặc biệt, nhằm khắc phục tình trạng CTCK lạm dụng tài khoản tiền của NĐT đang diễn ra nhức nhối, quy định mới buộc CTCK xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng theo hai phương thức để NĐT lựa chọn: khách hàng mở tài khoản trực tiếp tại NHTM do CTCK chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán; CTCK mở tài khoản chuyên dụng tại NHTM, để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng. Tài khoản này phải mở tách bạch với các tài khoản khác của CTCK…
Thông tư 210 còn có một chương riêng hướng dẫn về tổ chức lại CTCK, trong đó đưa ra các quy định chi tiết về trình tự, thủ tục hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi CTCK… Đặc biệt, để giải tỏa nút thắt trong “xóa tên” CTCK, Thông tư 210 quy định, trường hợp CTCK không đáp ứng được các chuẩn hoạt động mới, thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có văn bản yêu cầu CTCK và các bên có liên quan thực hiện thủ tục giải thể, phá sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật về phá sản doanh nghiệp. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc giải thể, phá sản, người đại diện theo pháp luật của CTCK phải gửi bản gốc Giấy phép hoạt động và thành lập CTCK cùng hồ sơ có liên quan đến việc giải thể, phá sản của công ty đến UBCK. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBCK ra quyết định thu hồi Giấy phép hoạt động và thành lập CTCK, đồng thời công bố thông tin theo quy định.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét